Dù đã bị “điểm mặt chỉ tên” nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách biện bạch cho lý do “lỗ giả” của mình.
Tăng 33 lần nhưng vẫn lỗ
Theo hồ sơ của Cục Thuế Bình Dương, Công ty TNHH Sung Shin Vina (Hàn Quốc) có trụ sở tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 2, Bến Cát, Bình Dương, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2007-2010 liên tục báo cáo lỗ. Số lỗ lũy kế đã lên đến hơn 55 tỉ đồng trong bốn năm. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ dù liên tục thua lỗ nhưng doanh nghiệp (DN) này lại liên tục mở rộng sản xuất với doanh thu năm 2010 tăng gấp 33 lần so với năm 2007.
Nguyên nhân dẫn đến những khoản lỗ khổng lồ này là do công ty đã nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của công ty mẹ hoặc từ các chi nhánh của công ty mẹ với giá cao hơn rất nhiều so với giá mà các DN cùng ngành nghề nhập về. Tuy nhiên sản phẩm (môtơ điện các loại) xuất bán cho công ty mẹ hoặc giao hàng cho các công ty khác theo chỉ định của công ty mẹ bình quân trong các năm từ 2007-2010 đều thấp hơn giá thị trường 10-15%.
Từ thực tế, Cục Thuế Bình Dương đã thu thập, đối chiếu thông tin..., cuối cùng DN này đã đồng ý xác định lại giá bán sản phẩm của công ty cho công ty mẹ theo giá thị trường. Từ chỗ lỗ lũy kế hơn 55 tỉ đồng, công ty đã có lãi hơn 88 tỉ đồng.
Một DN khác là Công ty TNHH Myung Jin Vina chuyên sản xuất, gia công linh kiện ôtô tại KCN Mỹ Phước 3, Bến Cát, Bình Dương cũng sử dụng chiêu giao dịch liên kết nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể Myung Jin Vina chủ yếu mua nguyên liệu đầu vào từ công ty mẹ là Tập đoàn Myung Jin Tec ở Hàn Quốc, sau đó bán lại toàn bộ thành phẩm cho một đơn vị khác trong cùng tập đoàn là Công ty TNHH DJV, cùng đóng trụ sở tại KCN Mỹ Phước 3, với giá thấp hơn giá thị trường.
Sau khi làm việc với cơ quan thuế Bình Dương, phía DN đã điều chỉnh mức giá và giảm lỗ cho công ty năm 2008 là hơn 3,6 tỉ đồng. Qua hai năm 2008-2009, công ty đã điều chỉnh giảm giá vốn 3,4 tỉ đồng, điều chỉnh tăng doanh thu 5,9 tỉ đồng. Từ đó ra quyết định thu hồi thuế, phạt vi phạm với số tiền hơn 456 triệu đồng.
Cũng sử dụng chiêu này, Công ty TNHH Ngũ Kim Chính Nguyên có trụ sở tại Tân Uyên, Bình Dương, chuyên sản xuất các sản phẩm máy tính, phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, cửa nhôm, cửa thép... cũng có kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục trong năm 2006-2007.
Qua làm việc đồng thời căn cứ vào bảng kê chi tiết giá bán ra trong nước và xuất khẩu năm 2006-2007 do Công ty TNHH Ngũ Kim Chính Nguyên Việt Nam cung cấp, cơ quan thuế nhận thấy giá công ty bán cho công ty có quan hệ liên kết (Công ty Li Feng International Limited) luôn thấp hơn giá sản phẩm cùng loại công ty bán ra tiêu thụ thị trường nội địa. Từ đó buộc DN phải xác định lại giá bán theo giá thị trường dẫn đến kết quả kinh doanh có lãi, làm phát sinh thuế thu nhập DN.
Hai dạng giao dịch liên kết của các doanh nghiệp FDI nhằm triệt tiêu lợi nhuận tại VN - Dữ liệu : A.Hồng - Đồ họa: V.Cường - Ảnh: T.V.N. |
Không thừa nhận... lãi
Lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương cho biết qua thu thập, đối chiếu thông tin, nơi này đã xác định “chiêu” lách thuế của DN là ký hợp đồng mua bán khép kín với công ty mẹ tại nước ngoài, hoặc thực hiện mua bán lòng vòng với các công ty trong cùng một nhóm. Từ đó các khoản lợi nhuận được biến thành các khoản lỗ nhằm trốn thuế.
Ông Trương Cao Nghĩa, trưởng phòng thanh tra thuế số 3 Cục Thuế Bình Dương, cho rằng cái khó của cơ quan thuế ở chỗ các DN hoàn toàn chủ động và có nhiều lý do để biện minh hành động của mình.
Ông Huỳnh Công Lý, kế toán trưởng Công ty TNHH Sung Shin Vina, cho rằng mặt hàng mà DN nhập nguyên liệu cũng như sản xuất là mặt hàng đặc thù, không có mặt hàng tương tự để so sánh. Do vậy DN khá băn khoăn khi cơ quan thuế áp mức giá thị trường để xác định lại doanh thu. “Mặt khác, do còn được miễn thuế nên chúng tôi chưa làm quy củ lắm, năm nay sẽ làm chi tiết hơn” - ông Lý nói.
Ông kiến nghị cần có nguồn dữ liệu về giá rõ ràng hơn bởi rất nhiều DN sản xuất mặt hàng đặc thù để tính thuế. Còn hiện nay “cơ quan thuế tính sao chúng tôi nghe vậy chứ chưa có thời gian để... đi hỏi lại cho kỹ”.
Tương tự, bà Ngô Thị Yên Hoài, kế toán trưởng Công ty TNHH Myung Jin Vina, giải thích công ty sản xuất một bộ phận nhỏ của hộp số xe hơi. Đây là những nguyên liệu đặc thù nên tìm một mặt hàng để đối chiếu ở Việt Nam rất khó.
Theo bà, Cục Thuế Bình Dương cho rằng giá nhập về của công ty là quá cao nhưng công ty cung cấp đầy đủ hóa đơn thì cơ quan thuế không chấp nhận. “Cơ quan thuế cứ nói công ty chúng tôi kê khai mua cao bán thấp nên dẫn đến số liệu lỗ” - bà Hoài nói.
Trả lời câu hỏi “Vì sao DN thấy lỗ mà vẫn bán, vẫn mở rộng sản xuất?”, bà Hoài cho biết: “Có nhiều lý do từ công ty mẹ nên không biết hết. Nhưng cái gì cũng thế, bán cho công ty mẹ cũng phải ưu đãi hơn”.
Bà cũng cho rằng những năm đầu mới hoạt động chi phí rất cao, chưa ổn định nên phải có chi phí chạy thử nghiệm máy, vật phẩm dẫn đến giá thành cao. Năm 2010 công ty mới có lời thì cơ quan thuế lấy mốc làm chuẩn so sánh lại các năm trước, nên năm 2009 thay vì lỗ thì theo cách tính này công ty lại có lời.
Số lượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ và lãi trên địa bàn TP.HCM qua các năm - Đồ họa: V.Cường |
Công khai việc nộp thuế
Hiện nay Cục Thuế Bình Dương đang quản lý 2.020 dự án đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký hơn 14 tỉ USD, hơn 1.700 DN đang hoạt động. Thế nhưng từ năm 2006 đến nay cho thấy 50% DN FDI kinh doanh thua lỗ. Cục Thuế Bình Dương đã yêu cầu các DN kê khai thông tin giao dịch liên kết nhằm làm cơ sở xác lập danh sách các DN có dấu hiệu chuyển giá.
Tuy nhiên trong số 1.425 DN kê khai nộp báo cáo tài chính, quyết toán thuế năm 2010 chỉ có 253 DN kê khai thông tin giao dịch liên kết theo mẫu của cơ quan thuế.
Theo ông Lê Việt Dũng - phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bình Dương, thực trạng khai báo lỗ để trốn thuế chắc chắn là có, có điều chỉ tận mặt, bắt tận tay là không dễ. Ông cũng cho rằng đây là một vấn đề phức tạp mà nếu chỉ đứng ở góc độ của địa phương rất khó giải quyết.
Ông Võ Thanh Bình, cục phó Cục Thuế Bình Dương, thừa nhận khoảng 700 DN FDI tại địa bàn Bình Dương (tương đương 50%) báo lỗ. Trong đó nhiều DN lỗ 3-5 năm liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất. Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên “lập ngân hàng dữ liệu về giá”, tuy nhiên cũng không đơn giản vì DN có nhiều lý lẽ. Chẳng hạn giá gia công một chiếc áo ở Malaysia là 10 đồng mà cũng với công đoạn đó ở Việt Nam giá chỉ 7 đồng. DN viện cớ vào một vài chi tiết khác nhau như: một đường chỉ, hai đường chỉ..., trong khi chúng ta lại không có áo ở Malaysia để đối chiếu.
“Phải có giải pháp căn cơ từ tầm vĩ mô như thỏa thuận trước với nhà đầu tư về mức lợi nhuận theo kế hoạch hoặc mức giá ngay khi cam kết đầu tư” - ông Bình nói.
Ông Trương Cao Nghĩa cho rằng từ những kết quả ban đầu đã phần nào đánh động đến các DN FDI khác trên địa bàn. Trong điều kiện chưa thể quản lý hết mọi dữ liệu như hiện nay, cơ quan thuế chủ yếu vận động để DN thấy được vấn đề, từ đó tác động đến nhận thức của DN về nghĩa vụ thuế.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính, công tác chống chuyển giá bước đầu đã đạt được kết quả tích cực, nhất là tại các cục thuế địa phương như Lâm Đồng, Bình Dương, TP.HCM... Đến nay có khoảng 20 địa phương đã có những thành công bước đầu trong công tác chống chuyển giá. Qua kiểm tra tại gần 500 DN FDI báo lỗ trên cả nước, kết quả đã giảm lỗ trên 3.600 tỉ đồng, tăng thu ngân sách khoảng 1.200 tỉ đồng.
ÁNH HỒNG - ANH THOA
Ông Colin Clavey (chuyên gia Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD): Phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn Với các quy định chuyển giá cho lãi tiền vay từ DN ở nước ngoài cho DN ở VN (ví dụ khoản vay của công ty mẹ ở Mỹ cấp cho công ty ở VN): thứ nhất, các quy định về chuyển giá phải quản lý được mức lãi suất của khoản vay đó, do đó nếu lãi suất ghi trong hợp đồng cao hơn lãi suất trên thị trường thì cơ quan quản lý có quyền áp dụng lãi suất thị trường khi tính thuế. Ngoài ra, để xác định có hay không có chuyển giá thì có thể cân nhắc hành vi của DN. Ví dụ: nếu DN cứ triền miên khai lỗ sau cả chục năm hoạt động thì có thể xem xét các giao dịch giữa họ và một bên không liên kết xem họ có tiến hành các thương thảo để giảm giá hay cứ ký hợp đồng bình thường và chịu lỗ. Theo kinh nghiệm của tôi, để thực thi quy định chuyển giá, chúng ta cần có đội ngũ chuyên gia chuyên sâu để có thể tư vấn cho các chuyên viên là người trực tiếp tiến hành thẩm tra việc chuyển giá ở các DN. H.GIANG ghi |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét