Moody's
Vào khoảng giữa tháng 4/2011, trong một bản báo cáo, Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá Việt Nam đang phải đối phó với việc cân bằng mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cho rằng, sự điều tiết chính sách trong vài năm qua trực tiếp làm gia tăng áp lực tăng trưởng nóng, theo đó dẫn tới lạm phát cao và làm giảm vị thế trong việc thanh toán nợ nước ngoài của Việt Nam. Theo đó, tổ chức quốc tế này vẫn xếp Việt Nam hạng B1.
Đã có những lời trấn an từ một số chuyên gia kinh tế trong nước và cả nước ngoài rằng cảnh báo về "tiêu cực kinh tế Việt Nam" của Moody's thực ra không đến nỗi quá bi quan. Michel Henry Bouchet, học hàm giáo sư và cũng được coi là một chuyên gia kỳ cựu về thị trường trái phiếu cho rằng dù các tổ chức đánh giá tín nhiệm có cái nhìn thận trọng, song thực tế Việt Nam là thị trường hấp dẫn.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay quốc gia nào cũng đối mặt với khó khăn. Đến cả những nền kinh tế lớn như Mỹ và một số nước châu Âu cũng liên tiếp bị các tổ chức xếp hạng hạ bậc tín nhiệm hoặc đưa vào triển vọng tiêu cực do bất ổn tài chính và nợ công.
Ông Bouchet cũng dẫn chứng số liệu của hãng tư vấn A.T. Kearney của Mỹ mới đây cho thấy, Việt Nam đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng chỉ số tín nhiệm về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cao hơn Pháp (vị trí 13), Hồng Kông (14) và cả Nga (18). Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos cũng vừa nâng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm nay lên thứ hạng 59, thay vì mức 75 của năm 2009.
Vậy chúng ta nên có cái nhìn ra sao về Moody's? Những đánh giá và cảnh báo về nền kinh tế Việt Nam của tổ chức này có thể không sát thực và chỉ thuần túy mang tính tham khảo? Hoặc giới quản lý kinh tế nước ta có thể bỏ qua đánh giá đó như đã từng bỏ qua khá nhiều đánh giá của các tổ chức khác trong quá khứ?
Kết quả xếp hạng của Moody's có thể không quá quan trọng vì mỗi tổ chức xếp hạng đều có quan niệm và hệ thống tiêu chí chọn hạng riêng. Nhưng nếu Việt Nam có được đưa vào loại A thì cũng không thể phủ nhận tình trạng lạm phát ở nước ta trong 4 tháng đầu năm 2011 thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Đó là chưa tính đến vấn đề nợ công mà hệ quả của nó sẽ có thể diễn ra trong những năm tới và gây ảnh hưởng rất đáng kể đến tình hình thâm thủng ngân sách công và chỉ số niềm tin của người dân đối với nền kinh tế.
Một vấn đề khác cần suy xét là mặc dù báo cáo của Moody's không trực tiếp đề cập đến thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), nhưng bản báo cáo này được tung ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam đã trải qua 18 tháng biến động đi xuống, cho thấy có một mối liên hệ nào đó giữa triển vọng không mấy tốt đẹp của nền kinh tế với tương lai của TTCK ở nước ta. Trong dĩ vãng, mối quan hệ như thế đã từng tồn tại mà có lẽ cần được nhắc lại như một tham khảo cần thiết.
... và những tổ chức khác
Đầu tháng 7/2007, bộ phận nghiên cứu của Tập đoàn tài chính Merrill Lynch (Mỹ) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã công bố một bản phân tích về tình hình đầu tư tại châu Á. Một chi tiết đáng chú ý là thời điểm công bố bản báo cáo này là sau 10 năm kể từ năm 1997 - thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra tại châu Á. Bản phân tích này đã nêu ra một số đánh giá về TTCK Việt Nam.
Vào khoảng thời gian đó, TTCK Việt Nam đã trải qua đỉnh 1.170 điểm vào tháng 3/2007 và một đợt phục hồi trên 20% vào tháng 5/2007 nhưng không vượt được đỉnh cũ. Merrill Lynch đã nhận định TTCK Việt Nam cần có thời gian để hạ nhiệt, giống như TTCK Pakistan vào năm 2006. Ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index cũng được Merrill Lynch coi là ngưỡng kháng cự tâm lý nhưng có ít nhân tố khiến cho chỉ số VN-Index bứt hẳn khỏi ngưỡng này.
Bởi lý do này, Merrill Lynch đã giảm sự quan tâm của họ vào TTCK Việt Nam xuống con số 0 và hướng mối quan tâm sang TTCK Trung Quốc. Những đánh giá của Merrill Lynch cũng khá tương đồng với nhận định của Ngân hàng HSBC (Anh) về TTCK VN, được nêu ra vào tháng 8/2007, trong đó có đánh giá về chỉ số lạm phát khá cao và niềm tin bị sứt mẻ của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên báo cáo của Merrill Lynch đã không được giới quản lý, phân tích và các nhà đầu tư Việt Nam dành cho sự quan tâm đúng mức. Một số chuyên gia Việt Nam cho rằng báo cáo này chỉ là nhận định mang tính cá nhân và không nên để những nhận định đó ảnh hưởng xấu đến trạng thái tâm lý vốn vẫn còn hồ hởi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ nước ngoài tại Việt Nam.
Có chuyên gia còn cho rằng ngoài Merrill Lynch, vẫn còn rất nhiều tổ chức tài chính nước ngoài khác quan tâm đến TTCK VN. Còn một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì trấn an là nhà đầu tư cần phải quen dần với việc nhiều tổ chức đưa ra nhiều báo cáo với các nhận định khác nhau...
Nói cách khác, sau đó chẳng mấy ai để tâm đến Merrill Lynch hay HSBC nữa. Song thực tế cuối năm 2007 đã cho thấy một phần nhận định của những tổ chức này đã có được "tầm nhìn xa": TTCK Việt Nam, sau lần thứ hai thử lại đỉnh nhưng không thành công, đã sụt giảm về mốc 900 điểm, chuẩn bị bước vào thời kỳ lao dốc trầm trọng.
Về sau này, khi tổng kết các nguyên nhân của thời kỳ lao dốc ấy, nhiều người thường lấy cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như mầm mống chính. Nhưng với một số chuyên gia và nhà đầu tư, ngay cả khi thế giới không xảy ra cuộc khủng hoảng nào, chứng khoán Việt Nam vẫn phải có một chu kỳ điều chỉnh cần thiết do đã tăng quá ảo. Ở một góc độ khác, cách nhìn nhận của Merrill Lynch lại tỏ ra có lý về TTCK Trung Quốc khi trong giai đoạn khủng hoảng, chứng khoán quốc gia này tuy mất đến 72% giá trị nhưng vẫn còn khá hơn Việt Nam (VN-Index mất đến 80% giá trị).
"Dự cảm" về nền kinh tế và TTCK Việt Nam
Trở lại với báo cáo của Moody's, tổ chức này rất quan ngại về lạm phát Việt Nam ở mức hai con số vì nó sẽ tạo sức ép hơn nữa tới tỷ giá cũng như dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách thắt chặt để ổn định vĩ mô có thể dẫn tới hệ quả không mong muốn là gia tăng nghĩa vụ nợ của Chính phủ, ngân hàng cũng như doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, khoản nợ có vấn đề tại một số tập đoàn quốc doanh gây bi quan về khả năng hỗ trợ tài chính của Chính phủ với doanh nghiệp. Moody's cũng không quên tuyên bố, nếu dự trữ ngoại tệ tiếp tục giảm, xếp hạng của Việt Nam sẽ bị hạ thấp hơn nữa (ước tính cho thấy dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở mức 12,2 tỷ USD vào cuối năm 2010, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25,8 tỷ USD trong tháng 2/2008).
Trước Moody's, một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác cũng bày tỏ quan điểm thận trọng với Việt Nam. Tháng 9/2010, Fitch hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ và hạ bậc tín dụng của một số ngân hàng hàng đầu. Standard & Poor's mới đây cũng đưa xếp hạng BB- của Việt Nam vào triển vọng tiêu cực; trong khi hãng bảo hiểm tín dụng hàng đầu của Pháp Coface hạ xếp hạng của Việt Nam từ B xuống C.
Thiết nghĩ, hàng loạt đánh giá và cảnh báo của các tổ chức quốc tế như trên đối với Việt Nam có một nét gì đó mang tính "dự cảm", cần được Chính phủ và các cơ quan quản lý tham khảo một cách cầu thị và nghiêm túc. Có thể trong vài tháng tới, mức độ lạm phát ở nước ta sẽ được áp chế hơn.Song trong một cuộc hội thảo về tài chính - tiền tệ gần đây, vẫn có ý kiến chuyên gia lo ngại rằng chỉ số lạm phát có thể lên tới 18-19% vào tháng 7-8/2011.
Nếu điều đó xảy ra, cùng với những cảnh báo của Moody's, có thể thấy là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn khó khăn, và khó khăn có thể còn gia tăng gấp bội. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới tiến triển bình thường, nước ta có thể giải quyết được phần nào những khó khăn này. Nhưng nếu kinh tế Mỹ, Nhật và một số quốc gia châu Âu trở nên xấu hơn và dẫn đến hậu quả tái suy thoái, liệu Việt Nam sẽ đối phó như thế nào?
Trong cả hai trường hợp trên, nếu coi TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế Việt Nam thì nhiều khả năng chính hàn thử biểu này sẽ bị tác động tiêu cực từ những khó khăn của nền kinh tế. Với lý do đó, quá trình suy giảm trung hạn của TTCK Việt Nam là khó tránh khỏi. Quá trình này chỉ có thể kết thúc vào quý VI/2011 hoặc đầu quý I/2012 khi chỉ số lạm phát ở nước ta trở nên ổn định hơn.
Theo Việt Thắng
VEF
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét